Khi hàng hóa được xuất kho thường được kê khai trong phiếu xuất kho để lưu lại thông tin dùng cho việc đối chiếu, quản lý và lưu thông hàng hóa. Ngoài hóa đơn giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng, phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ là một chứng từ được sử dụng khá nhiều tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhiều kế toán còn lúng túng khi không biết có phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu trên phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hay không, mức phạt khi đánh mất phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ là bao nhiêu,… Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu một số quy định về sử dụng phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
1. Có phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu trên phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ không?
Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ thường được kế toán thực hiện ghi theo giá xuất kho (giá vốn) khá nhạy cảm nên một số doanh nghiệp chỉ ghi số lượng và không ghi đơn giá. Bên cạnh đó, có khá nhiều doanh nghiệp tính giá xuất kho theo phương pháp bình quân gia quyền cuối kỳ thì cuối kỳ mới có (tính) giá xuất kho để có thể ghi vào phiếu xuất.
Về nguyên tắc chứng từ kế toán, trên chứng từ cần phải ghi đầy đủ các chỉ tiêu, tuy nhiên với phiếu xuất kho hay phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ có thể chỉ ghi tên hàng hóa, số lượng mà không ghi đơn giá, thành tiền (chưa có, hoặc không muốn công khai giá vốn) vẫn được cơ quan thuế bỏ qua.
Tuy nhiên, đối với các trường hợp đặc biệt, nội dung trên phiếu xuất kho kiêm vận bộ nên ghi đầy đủ các nội dung, chỉ tiêu để tiện ghi sổ kế toán cũng như có căn cứ quy trách nhiệm vật chất nếu các bên liên quan làm hư hỏng, mất mát, thất lạc,…
2. Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ có cần đóng dấu không?
Hướng dẫn tại Điểm b Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC có quy định một số trường hợp không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung đó là:
– Hóa đơn tự in của DN, tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.
– Nếu là tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.
– Các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Cục thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”.
– Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Vậy trường hợp mẫu phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ theo mẫu tại Thông tư số 39/2014/TT-BTC không có tiêu thức dấu của người bán thì doanh nghiệp có thể tiến hành đóng dấu treo tại góc trái tờ phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ.
Giải đáp những thắc mắc về việc xuất lùi ngày hóa đơn điện tử
DN cần làm gì trước hạn chót đăng ký hóa đơn điện tử?
3. Mức phạt khi đánh mất phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ
3.1. Xử phạt theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán
Theo điều 12 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ban hành ngày 16/09/2013 thì mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán được quy định hành vi làm mất mát tài liệu trong thời gian lưu trữ bị cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
3.2. Mức xử phạt theo quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực hóa đơn
Nghị định 49/2016/NĐ-CP về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa đơn có nêu rõ tại Điểm g Khoản 4 Điều 3: Đối với hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã phát hành đã được lập và chưa lập sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng.